3 CACH GIU LUA TRONG KINH DOANH
  “Làm thế nào để lại có được niềm đam mê?. Muốn làm được điều này, lúc nào bạn cũng phải để ý, chăm chút cho nó, giống như ngọn lửa, phải tiếp dầu liên tục thì mới có thể cháy mãi”.
  Tôi (Leslie Barber- chuyên gia kết nối các doanh nghiệp nhỏ) luôn có mối quan tâm đặc biệt với các vấn đề của bà bầu và giải quyết được chúng là niềm đam mê của tôi. Chỉ cần nhìn thấy những người phụ nữ mang thai khổ sở nuốt những viên thuốc bổ sung vitamin to vật vã đã khiến tôi cảm thấy rất xót xa và muốn làm điều gì đó giúp họ. Vì thế khi sáng lập ra công ty NutraBella chuyên sản xuất thực phẩm bổ sung cho những người chuẩn bị làm mẹ, 90% những gì tôi làm được đều bắt nguồn từ đam mê.
  Nhưng tôi không nghĩ rằng việc giữ lửa đam mê lại khó đến thế. Những lo lắng, căng thẳng thường trực trong hoạt động kinh doanh khiến đam mê nguội lạnh dần dần và khi tôi phát hiện ra điều này thì đã gần như quá muộn.
  Nhìn lại, tôi chỉ ước giá như mình nuôi dưỡng niềm đam mê cẩn thận hơn. Để không phải hối hận như tôi, hãy giữ cho ngọn lửa đam mê của bạn luôn cháy mãi bằng 3 cách sau.
 * Thổi bùng đam mê mỗi ngày
 Câu hỏi đầu tiên tôi nhận được từ những người chủ doanh nghiệp nhỏ là: “Làm thế nào để lại có được niềm đam mê?”. Muốn làm được điều này, lúc nào bạn cũng phải để ý, chăm chút cho nó, giống như ngọn lửa, phải tiếp dầu liên tục thì mới có thể cháy mãi.
 Mỗi ngày, trước khi làm bất cứ thứ gì, bạn hãy nghĩ lại xem động cơ nào khiến lao vào  công việc kinh doanh hiện tại. Điều này rất cần để tạo động lực và cảm hứng làm việc cho bạn cũng như ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của doanh nghiệp. Đam mê sẽ chỉ đường dẫn lối cho bạn và quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp. Khi bạn đam mê, những người xung quanh cũng được tiếp thêm động lực.
 Doanh nhân Simon Sinek mô tả động cơ như “một mục đích, lý tưởng hay niềm tin”. Tại sao bạn bước ra khỏi giường vào mỗi buổi sáng? Mọi người không mua thứ mà bạn làm, họ mua động cơ khiến bạn làm điều đó”. Đam mê là động cơ của bạn và nó sẽ khiến bạn khác biệt với mọi người. Thiếu nó, bạn sẽ đẩy doanh nghiệp của mình vào thế nguy hiểm. Vì thế, hãy nuôi dưỡng đam mê của mình từ sớm và thường xuyên.
Càng khó càng muốn chinh phục
  Tôi đã phải chứng kiến một người bạn bầu phát khóc vì không thể nuốt trôi viên thuốc bổ. Cô ấy cảm thấy có lỗi với đứa con chưa sinh ra. Lúc đó, tôi chỉ muốn ‘xử’ những viên thuốc đã làm cô ấy buồn lòng.
   Rất nhiều người đã nói rằng nếu loại bánh bổ sung vitamin và khoáng chất cho bà bầu, họ sẽ thôi uống thuốc. Nhưng nói và làm là hai chuyện khác nhau. Khi chúng tôi tung ra sản phẩm bánh Bellybar, những người phụ nữ đó vẫn mua thuốc bổ về uống kèm.   
   Với quyết tâm thay đổi thói quen của họ, chúng tôi đã thử nghiệm và cho ra mắt loại kẹo dẻo bổ sung vitamin. Sau đó, chúng tôi cũng cải tiến công thức làm bánh để tăng hàm lượng vitamin. Nhờ đam mê chinh phục thử thách, chúng tôi đã tìm ra lối thoát cho mình.
   Nhiều doanh nghiệp thất bại vì quá bằng lòng với giải pháp của họ. Đừng để điều đó xảy ra với bạn. Hãy chắc chắn rằng niềm đam mê của bạn là chinh phục vấn đề chứ không phải là bị chính những gì mình làm ra chinh phục.
  * Đừng để việc điều hành doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến đam mê
 Là người chủ, bạn phải điều hành, quản lý doanh nghiệp của mình. Dần dà, những mối lo cơm áo, gạo tiền sẽ vắt kiệt niềm đam mê của bạn. Khó khăn thì cứ chồng chồng chất chất – các nhà cung cấp giao hàng chậm, khách hàng nợ tiền, luật sư đến gõ cửa…
 Tìm ra đâu là công việc thôi thúc niềm đam mê của bạn và đâu là thứ dập tắt đó. Sau đó, hãy tìm người để chuyển giao bớt những việc cướp đi niềm đam mê của bạn và chỉ tập trung vào những thứ bạn có cảm hứng. Có thể bạn không rũ bỏ được tất cả những thứ nhàm chán, nhưng bạn sẽ duy trì được sự cân bằng. Hãy tận dụng mọi công cụ, phương tiện để làm cho công việc trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả hơn, tích cực tìm người muốn làm những công việc mà bạn ghét và đặc biệt là phải dành thời gian nạp lại năng lượng cho mình.
  Chủ các doanh nghiệp nhỏ là những người có nhiều đam mê nhất mà tôi từng gặp. Họ giống như những gì một quảng cáo năm 1997 của Apple miêu tả: “Một số người xem họ là những gã điên, nhưng chúng tôi thấy ở họ một thiên tài. Bởi những người đủ điên để nghĩ mình có thể thay đổi thế giới cũng chính là những người có thể làm được điều đó”. Hãy cứ giữ lấy cái ‘điên’ của mình để thay đổi thế giới. Tôi sẽ luôn ủng hộ các bạn.
 Phạm Lê Phương – Dịch từ Entrepreneur