5 SUY NGHI KHIEN BAN BỎ LỠ THÀNH CÔNG
Nhiều người cho rằng để thành công thì cần có khả năng chuyên môn thật giỏi. Điều đó không sai nhưng bên cạnh đó cách tư duy cũng rất quan trọng. Đôi khi có những suy nghĩ tưởng chừng như rất bình thường nhưng lại khiến bạn tự bỏ lỡ thành công của chính mình.
  1. “Tôi không phải là một chuyên gia”
Bạn đã từng tự nhủ với bản thân câu nói này nhiều lần hay chưa? Nhiều người nghĩ rằng họ chẳng phải là những chuyên gia để có thể làm việc gì đó hoặc bắt tay vào một dự án. Và chính cách suy nghĩ như vậy đã làm họ bỏ lỡ không chỉ cơ hội để thành công mà còn là cơ hội để khám phá những khả năng của bản thân.
Không ai khi bắt đầu làm một việc gì đã là một chuyên gia. Chuyên môn và kinh nghiệm sẽ được tích lũy dần theo thời gian. Bạn phải tự làm cho mình trở thành chuyên gia.
Hãy tin tưởng vào bản thân khi bạn thực sự đam mê một lĩnh vực nào đó và muốn khởi nghiệp với nó.
Khi xem xét một dự án hay một cơ hội đầu tư kinh doanh đừng tự nói với bản thân rằng “mình không phải chuyên gia trong lĩnh vực này”. Mà thay vào đó hãy xem rằng bạn có thực sự yêu thích và quan tâm tới vấn đề đó hay không. Nếu bạn thực sự đam mê bạn có thể làm mọi thứ để tìm kiếm thông tin cũng như nâng cao hiểu biết của mình về nó.
Đối với hầu hết các lĩnh vực kinh doanh thì bạn chỉ cần hai năm học hành và làm việc thực sự nghiêm túc là bạn đã trở thành “chuyên gia”. Nhưng bạn cũng phải xác định ngay từ đầu rằng đó là thời gian bạn bỏ ra để học tập và tích lũy kinh nghiệm, nó sẽ chưa thể thu về kết quả ngay. Hãy chắc chắn rằng bạn đam mê nó và muốn dành thời gian cho nó mỗi ngày. Thay vì suy nghĩ “tôi không phải là một chuyên gia” thì hãy nghĩ “tôi phải tìm những thứ tôi cần biết ở đâu?”.
  1. “Việc đó đã có người làm rồi”
Đây là một suy nghĩ nhiều người gặp phải khi có một ý tưởng kinh doanh gì đó. Nhưng chính ý nghĩ này lại khiến họ bỏ lỡ nhiều cơ hội thành công.
Trong kinh doanh những đối thủ cạnh tranh là một điều tất yếu. Ý tưởng kinh doanh của bạn có thể đã được nhiều người khác thực hiện trước đó nhưng quan trọng là cách làm của mỗi người ra sao. Trên thực tế sự tồn tại của những đối thủ kinh doanh lại giúp cho bạn đưa ra được một kế hoạch chi tiết và toàn diện hơn.
Có kế hoạch kinh doanh phù hợp và áp dụng nó đôi khi còn quan trọng hơn là sự độc đáo trong ý tưởng. Thay vì suy nghĩ “việc đó đã có người làm rồi” hãy nghĩ xem “làm thế nào để bạn có thể làm việc đó tốt hơn”.
  1. “Tôi không biết người tôi cần ở đâu”
Nhiều người thường hạn chế tất cả những người mà họ biết trong những mối quan hệ như bạn bè, khách hàng, đồng nghiệp…Họ cho rằng đó là nguồn nhân lực mà họ phải làm việc cùng khi có một dự án kinh doanh. Và trong một nguồn lực giới hạn như vậy thì đôi khi không thể tìm được “đúng người, đúng việc”.
Suy nghĩ tìm người cùng làm việc trong các mối quan hệ gần gũi đôi khi sẽ khiến bạn bỏ lỡ thành công hoặc thậm chí là bị thất bại. Hãy mở rộng những mối quan hệ xã hội của mình và suy nghĩ: “Ai là người tôi cần cho công việc và tìm họ như thế nào?”.
  1. “Cần tiền để kiếm tiền”
Một suy nghĩ thông thường khi nhắc tới những người thành công là do họ được học tập ở những ngôi trường tốt và có kĩ năng siêu phàm. Còn có một luồng suy nghĩ khác là thành công là do có nguồn lực tài chính.
Thật dễ dàng để lấy việc thiếu tiền để lý giải cho việc không có sự tiến bộ trong kinh doanh. Tuy nhiên đôi khi chính sự hạn chế trong nguồn lực tài chính lại là một điều may mắn. Vì khi không có quá nhiều tiền bạn sẽ phải cân nhắc nhiều hơn và tập trung nhiều hơn cho sản phẩm của mình. Bạn có thể cực kì thành công nhờ sự thông minh trong cân đối chi tiêu và lập kế hoạch kinh doanh.
Bạn không cần có quá nhiều vốn mới có thể kinh doanh. Mà thay vào đó hãy tính toán chi tiết, cẩn thận về những sản phẩm đầu tiên bạn làm ra. Hãy suy nghĩ rằng “làm thế nào để có thể cải thiện mọi thứ vì doanh nghiệp của bạn còn nhỏ”.
  1. “Tôi luôn…”
Khi bạn kinh doanh, tính cách của bạn sẽ ảnh hưởng tới sự thành công trong công việc. Khi bạn nghĩ về bản thân bạn thường nghĩ mình là ai, nhưng khi nghĩ tới doanh nghiệp của mình bạn sẽ nghĩ làm thế nào để nó tốt hơn.
Bí quyết là hãy thử thay đổi cách nghĩ bản thân giống như cách nghĩ về doanh nghiệp. Thay vì những ý nghĩ như: “Tôi luôn luôn bối rối khi đứng trước đám đông” thì hãy nghĩ làm thế nào để cải thiện yếu điểm này.
Để phát triển được doanh nghiệp điều đầu tiên bạn cần làm là phát triển bản thân mình trước. Chỉ khi đó bạn mới có thể đưa ra được những quyết định sáng suốt và những kế hoạch kinh doanh hiệu quả.
Làm chủ được suy nghĩ của mình là bước đầu tiên để bạn có thể chạm tới thành công. Vì vậy, hãy thay thế những suy nghĩ tiêu cực bằng những suy nghĩ tích cực để không bỏ lỡ những cơ hội thành công.
Theo blog.zing.vn